Timeline là gì?
Có thể hiểu một cách đơn giản thì Timeline là sự trình bày một chuỗi các sự kiện theo thời gian. Cho phép người xem hiểu được các mối quan hệ tạm thời một cách nhanh chóng.
Trong định cư, Timeline là từ để chỉ một bài viết kể về mối quan hệ từ khi quen nhau tới khi nộp hồ sơ của hai đương đơn.
Tầm quan trọng của Timeline đối với hồ sơ bảo lãnh
Những giấy tờ pháp lý như giấy chứng nhận kết hôn,.v.v chỉ là điều kiện cần của bộ hồ sơ bảo lãnh nhưng để hồ sơ được USCIS chấp nhận, Lãnh sự quán đồng ý cấp visa định cư Mỹ thì chúng ta cần cung cấp thêm các bằng chứng chứng minh mối quan hệ của hai đương đơn và Timeline giúp chúng ta làm điều đó hiệu quả nhất.
Thông thường Timeline được sử dụng nhiều trong các hồ sơ bảo lãnh diện vợ chồng và hôn thê vì hai diện này cần chứng minh mối quan hệ kỹ.
Tất nhiên ngoài Timeline thì chúng ta có thể sắp xếp và nộp các hình ảnh, thư từ cũng như các giấy tờ như sổ công giáo,… là được, nhưng chúng chỉ mang tính chất hình thức và cung cấp quá nhiều thông tin nên rất dễ tạo hiểu lắm. Timeline thì khác, nó giúp người đọc hình dung được mối quan hệ, quá trình phát triển tình cảm cũng như giúp chúng ta chia sẻ cảm xúc, dự định tương lai tới người đọc từ đó tăng khả năng được cấp visa định cư Mỹ.
Mặt khác, Timeline của mỗi trường hợp là hoàn toàn khác nhau nên việc chúng ta cung cấp thêm Timeline sẽ giúp hồ sơ chúng ta riêng biệt và chân thật nên người xem xét hồ sơ có “thiện cảm” trong quá trình xét duyệt hồ sơ.
Lời khuyên: thông thường việc Timeline rất tốn thời gian và không có hướng dẫn cụ thể từ USCIS hay Lãnh sự quán nhưng theo kinh nghiệm nhiều năm của ICAVIET thì tốt nhất chúng ta nên hoàn thành và nộp từ giai đoạn USCIS, việc này sẽ giúp hồ sơ thuận lợi, tránh những yêu cầu bổ sung oan.
Một Timeline tốt cần lưu ý:
01. Viết đúng chính tả, văn phong, từ ngữ giản dị, dễ đọc hiểu nhưng có chứa cảm xúc của cả hai thì nó mới thể hiện rõ được tính chân thật của mối quan hệ
02. Bố cục và nội dung của Timeline phải đảm bảo sự rõ ràng, mạch lạc nhưng chân thật, liên kết chặt chẽ với nhau.
03. Kể tới đâu thì có hình ảnh chứng minh tới đó.
04. Bản nộp là bản tiếng Anh.
Lời khuyên: sau khi làm xong thì hãy nhờ một người khác xem để có một cái nhìn khách quan và chính xác về chất lượng của Timeline.
Đơn giản hóa việc xây dựng Timeline nhưng vẫn hay
Quá trình xây dựng một Timeline cực kỳ tốn thời gian và công sức nhưng nếu chúng ta tuân thủ 3 quy tắc sau thì công việc làm Timeline sẽ cực kỳ đơn giản, hiệu quả và nhanh chóng:
Quy tắc 1: Sắp xếp bằng chứng theo thời gian
Việc sắp xếp bằng chứng theo thời gian giúp câu chuyện của chúng ta dễ hiểu, dễ viết cũng như giúp chúng ta nhớ chính xác các sự kiện đã trải qua.
Chúng ta có thể chia Timeline thành 3 giai đoạn sau:
Giai đoạn 01: Lần đầu quen nhau
Đây là phần mở đầu của Timeline cũng là phần khó nhất do phần lớn mọi người sẽ không lưu giữ hoặc không biết lấy bằng chứng nào để chứng minh lời kể.
Chúng ta có thể tham khảo cách lấy bằng chứng của ICAVIET ở 3 tình huống quen nhau phổ biến:
01. Quen nhau qua mạng như email, forum, website hẹn hò thì bằng chứng là đoạn hội thoại lần đầu nói chuyện hoặc thời gian bắt đầu trở thành bạn bè trên các mạng xã hội (facebook, skype, viber,…).
02. Quen nhau, gặp gỡ thông qua bạn bè, người thân thì bằng chứng vững chắc nhất là lời khai của chính người đã giới thiệu hoặc những tấm hình chụp chung khi đó (nếu có).
03. Quen qua trung tâm môi giới có tính phí, thì bằng chứng có thể truy lại được là hóa đơn hoặc bản sao kê ngân hàng được thanh toán cho trung tâm môi giới khi mai mối hai người thành công.
Giai đoạn 2: Phát triển mối quan hệ để tiến tới tình yêu
Giai đoạn này chiếm nhiều diện tích của Timeline nhưng lại cực đơn giản vì chúng ta chỉ cần liệt kê các sự kiện quan trọng kèm hình ảnh, nhưng đây lại là phần hay bị làm “ẩu”.
Các lỗi chúng ta cần tránh khi làm Timeline theo ICAVIET:
+ Dùng quá ít hình ảnh hoặc dùng các hình ảnh không liên quan đến lời kể.
+ Lời kể quá dài dòng chi tiết hoặc sự kiện dư thừa không thu hút người đọc.
+ Nhớ sai sự kiện, địa điểm (lỗi này cực nguy hiểm nhé!).
+ Toàn hình ảnh, sự kiện chỉ có cả hai.
+ Trình bày các sự kiện không theo trình tự thời gian.
Các bằng chứng ở giai đoạn này rất đa dạng nhưng đều nằm ở các mục sau:
+ Sự kiện, hình ảnh, tin nhắn khi cả hai đang tìm hiểu.
+ Hình ảnh, hiện vật hay hóa đơn khi cả hai tỏ tình để bắt đầu chính thức yêu nhau.
+ Sự kiện, hình ảnh, tin nhắn của cả hai khi đã trở thành người yêu.
+ Sự kiện, hình ảnh, tin nhắn của cả hai với bạn bè, người thân có liên quan tới hai người.
+ Quà tặng, thiệp, lời chúc mừng của cả hai dành cho nhau.
+ Vé máy bay, hóa đơn khách sạn, nhà hàng hoặc chứng từ chứng minh cả hai đã từng ở cùng nhau.
Lưu ý: Hình ảnh tốt nhất là hình ảnh đời thường, sự kiện nên dùng là những sự kiện có người thân bạn bè tham gia.
Giai đoạn 03: Sau khi cầu hôn hoặc sau kết hôn
Đây là giai đoạn USCIS hay Lãnh sự quán quan tâm nhất vì nó thể hiện mối quan hệ của hai vợ chồng vẫn được duy trì và phát triển sau khi đã đính hôn hoặc kết hôn với nhau.
Bằng chứng ở giai đoạn này bao gồm:
+ Hình ảnh cầu hôn
+ Hình ảnh, thiệp mời, hóa đơn tổ chức lễ đính hôn, đám cưới.
+ Hình ảnh tuần trăng mật.
+ Các hình ảnh với gia đình, bạn bè sau hôn nhân.
+ Các giấy tờ thể hiện việc trao đổi tài sản, tài sản chung của hai vợ chồng.
+ Giấy khai sinh của con chung.
+ Các bằng chứng thể hiện rõ dự định trong tương lai của cả hai vợ chồng.
Cần ghi nhớ: Lễ đính hôn hay đám cưới chỉ là mặt hình thức nên đừng quá tập trung vào những hình đó.
Quy tắc 2: Phân loại và sử dụng các bằng chứng
Mọi trường hợp sẽ có phân loại sắp xếp bằng chứng khác nhau.
Ví dụ: Một cặp vợ chồng yêu nhau 3 tháng rồi tiến tới hôn nhân thì khai thác tối đa các sự kiện khi còn yêu nhau và lý do tiến tới hôn nhân. Nhưng đối với các cặp vợ chồng lâu năm thì nên khai thác tốt cuộc sống vợ chồng sau hôn nhân.
Dưới đây là danh sách và thứ tự ưu sử dụng bằng chứng mà ICAVIET thường gặp phải không quá trình tiếp nhận các diện bảo lãnh vợ chồng:
+ Hình ảnh, tin nhắn của hai vợ chồng với nhau.
+ Hình ảnh, tin nhắn của hai vợ chồng với con cái.
+ Hình ảnh, tin nhắn của hai vợ chồng với người thân bạn bè.
+ Hình ảnh quà, thiệp chúc mừng của cả hai cho nhau.
+ Hình ảnh giấy chuyển tiền hoặc tài sản chung.
Quy tắc 03: Liệt kê trước khi làm Timeline
Liệt kê trước các sự kiện và hình ảnh sử dụng trước giúp chúng ta kiểm soát được cốt chuyện, hình ảnh được sử dụng trong Timeline, từ đó mà việc viết Timeline được mạch lạc, dễ dàng chọn lọc các sự kiện hình ảnh tốt cho hồ sơ.
Mẹo: Lập bảng thống kê là phương pháp tốt nhất để tổng hợp các sự kiện.
Lời cuối
Timeline góp phần quan trọng để hồ sơ bảo lãnh được duyệt nhưng chúng ta cũng đừng cố gắng xây dựng nó hoàn mỹ, ngôn tình. Sự chân thành luôn có sức thuyết phục mạnh mẽ nhất nên hãy viết Timeline bằng cả con tim của mình nhé!