Khi bắt đầu chuẩn bị quá trình mở hồ sơ định cư Mỹ, việc hiểu rõ những thuật ngữ di trú là vô cùng quan trọng. Hãy cùng ICAVIET tìm hiểu một số thuật ngữ di trú Mỹ trong bài viết dưới đây nhé!
Các tổ chức liên quan đến di trú và nhập tịch:
USCIS – United States Citizenship and Immigration Services: Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ.
USCIS là cơ quan liên bang phụ trách giám sát người nhập cư hợp pháp vào Hoa Kỳ, thuộc quản lý của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.
NVC – National Visa Center: Trung tâm Thị thực Quốc gia.
Đây là cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, có vai trò xử lý tất cả các đơn xin visa nhập cư (thẻ xanh), một số loại visa không định cư và đơn thỉnh cầu.
US Consulate: Lãnh sự quán Hoa Kỳ
US Embassy: Đại sứ quán Hoa Kỳ
Các thuật ngữ liên quan đến tình trạng cư trú tại Hoa Kỳ
LPR (Lawful Permanent Resident) – Thường trú nhân Mỹ
Thường trú nhân Mỹ là người đã được cấp quyền cư trú hợp pháp ở Mỹ trong một khoảng thời gian cụ thể và có thể gian hạn để được cư trú lâu dài. Tuy nhiên, họ vẫn giữ quốc tịch ban đầu của mình, không có hộ chiếu Mỹ và không có quyền tham gia bỏ phiếu bầu cử.
Green card/Permanent resident card – Thẻ xanh
Thẻ xanh Mỹ (Green card) là giấy chứng nhận quyền thường trú hợp pháp của công dân nước ngoài khi định cư tại Mỹ.
Người sở hữu thẻ xanh được gọi là thường trú nhân Mỹ hợp pháp và được hưởng những lợi ích tương đương với công dân Mỹ (chỉ trừ quyền bầu cử).
Những thuật ngữ di trú Mỹ quan trọng
Visa bulletin – Lịch chiếu khán/Lịch Visa
Visa bulletin là lịch xử lý hồ sơ bảo lãnh dành cho các diện F. Dựa vào lịch này, bạn có thể biết được hồ sơ đã đến lượt mở ra để tiến hành giai đoạn 06 bước ở NVC chưa; hoặc hồ sơ đã đến ngày đáo hạn, sắp nhận được lịch phỏng vấn hay chưa.
Priority date – Ngày ưu tiên
Là ngày mà Sở Di trú tiếp nhận hồ sơ của bạn. Sở Di trú sẽ cấp cho bạn ngày ưu tiên sau khi nhận được hồ sơ bạn nộp vào.
NVC sẽ căn cứ vào ngày ưu tiên này để giải quyết các hồ sơ đang chờ tại đây theo đúng trình tự hồ sơ có ngày ưu tiên trước sẽ giải quyết trước.
Bạn có thể tìm thấy ngày ưu tiên của hồ sơ bảo lãnh trên mẫu I-797, thư thông báo của USCIS gửi cho người bảo lãnh.
Receipt Number – Mã số biên nhận hồ sơ
Hồ sơ sau khi được nộp lên Sở Di trú sẽ được cấp biên nhận có mã số biên nhận hồ sơ và trung tâm xử lý hồ sơ, giúp bạn kiểm tra và theo dõi tiến độ hồ sơ.
Số biên nhận hồ sơ gồm 10 ký tự, 3 ký tự đầu đại diện cho các trung tâm tiếp nhận hồ sơ của USCIS như:
– EAC: Vermont Service Center.
– LIN: Nebraska Service Center.
– SRC: Texas Service Center.
– WAC: California Service Center.
– MSC: Missouri Service Center
Approval date – Ngày chấp thuận hồ sơ
Là ngày Sở Di trú chấp thuận hồ sơ của bạn. Sau ngày này, hồ sơ sẽ được chuyển qua NVC, đồng thời Sở Di trú sẽ gửi một thư thông báo (I-797) về việc hồ sơ được chấp thuận cho người bảo lãnh.
Case Number: Mã số hồ sơ tại NVC.
Sau khi hồ sơ được chấp thuận tại USCIS sẽ chuyển qua NVC. Tại đây, hồ sơ sẽ được cấp thêm một mã số mới đó là Case Number. Tùy theo quốc gia giải quyết visa của đương đơn mà case Number sẽ có các ký tự khác nhau.
Open date – Ngày mở
Là ngày NVC bắt đầu giải quyết hồ sơ của bạn. NVC sẽ gửi cho bạn Case Number and Invoice ID Number, bạn cần thực hiện các bước NVC yêu cầu. Trong vòng 1 tháng kể từ ngày hồ sơ của bạn được mở nếu bạn không nhận được giấy tờ từ NVC, bạn nên chủ động liên lạc đến NVC.
Complete Date – Ngày hoàn tất
Khi bạn hoàn tất các bước của NVC yêu cầu bao gồm: đóng phí xét bảo trợ tài chính, phí visa, hồ sơ bảo trợ tài chính của người bảo lãnh, lý lịch tư pháp, hộ chiếu, hình thẻ, đơn DS-260 của người được bảo lãnh; NVC nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ sẽ gửi thư báo hồ sơ hoàn tất.
Cut – off date: Ngày đáo hạn hồ sơ
Là ngày mà lịch chiếu khán đến hoặc vượt quá ngày ưu tiên hồ sơ của bạn và bạn sẽ được xếp lịch phỏng vấn.
CSPA (Child Status Protection Act): Đạo luật bảo vệ tình trạng con độc thân dưới 21 tuổi.
Đạo luật này nhằm mục đích giữ lại tình trạng con độc thân dưới 21 tuổi cho một số đương đơn đã bị “quá tuổi” (quá 21 tuổi trước khi được cấp thị thực) do thời gian xử lý hồ sơ kéo dài.
Xem thêm: Tính tuổi CSPA
Lời kết
Trên đây là những thuật ngữ di trú Mỹ quan trọng mà bạn cần biết khi làm hồ sơ định cư Mỹ. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho quá trình mở hồ sơ của mình nhé!